Trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong những tình huống khó khăn, phức tạp

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, từ lâu nhân dân đã lưu truyền câu thành ngữ nói lên vai trò, tính tiền phong gương mẫu của người đảng viên trong cuộc sống. Tuy nhiên, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên lại xao nhãng phẩm cách đó, sa vào trung bình chủ nghĩa, thậm chí a dua, cổ xúy cho những hành vi sai trái… Thật nguy hiểm và đáng tiếc, sự thờ ơ, a dua ấy diễn ra cả trong những tình huống khó khăn, phức tạp, rất cần bản lĩnh chính trị và sự gương mẫu của người đảng viên cộng sản…

Tiên phong tiến bước theo đường Đảng

Những trường hợp cá biệt và câu chuyện trách nhiệm đảng viên

Một trong 19 điều đảng viên không được làm có nội dung: “Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự”. Song đáng tiếc vẫn có một số trường hợp cá biệt như một đảng viên đã xuất hiện trong cuộc tụ tập, biểu tình tại một khu chợ ở TP Hồ Chí Minh năm ngoái, phát biểu để nhiều người quay clip. Sau đó, clip này bị các trang mạng nước ngoài tán phát, xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước.

Gần đây, trả lời một tờ báo nước ngoài, có vị giáo sư nghỉ hưu, đảng viên bất mãn lại vô tư cổ vũ, ngợi ca hành vi gây rối của một số người tụ tập gây rối ở miền Trung. Trong lần các thế lực thù địch lôi kéo, kích động người dân tụ tập đông người ở một số địa phương vào tháng 6 vừa qua, cũng có một số cán bộ, đảng viên vì chủ quan, đơn giản vô hình trung tiếp tay cho kẻ xấu tán phát thông tin sai sự thật về tình hình đất nước trên mạng xã hội. Một số người sau khi nghỉ hưu thì không được tỉnh táo, kiên định như trước mà hay sưu tầm, chia sẻ những thông tin tiêu cực trên trang cá nhân, kể cả thông tin giả được nhào nặn từ những trang web xấu độc, phản động. Một ví dụ rõ nét về sự bịa đặt đó là hình ảnh người dân nước ta đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội bóng đá U.23 Việt Nam năm 2017 đã được các phần tử phản động xuyên tạc thành “người dân xuống đường biểu tình phản đối Đảng Cộng sản Việt Nam”. Thế nhưng, vẫn có người “hồn nhiên” chia sẻ. Từ đó, họ vô hình trung “nối giáo cho giặc”, vô tình hùa theo luồng tư tưởng phản động, khiến dư luận thêm hoang mang.

Trên trang cá nhân của vị giáo sư nọ, một vài người “cùng hội cùng thuyền” với ông gần đây tiếp tục xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và có kẻ còn tán dương cái gọi là “lời kêu gọi tổng biểu tình” dịp 2-9 tới đây. Trên trang facebook của ông này, hiếm hoi mới có một bài tích cực là bài ca ngợi ý chí của đội tuyển U.23 Việt Nam trước chiến thắng đội tuyển Syria. Khi viết những dòng tương phản đó, không hiểu ông có nghĩ đến tình cảnh của Syria-một đất nước xinh đẹp đã bị phá nát bởi cái gọi là "cách mạng màu". Sau 7 năm chiến tranh, hơn 2,6 triệu người Syria đã phải rời bỏ tổ quốc, 4 triệu người phải đi khỏi nơi cư trú, trong đó có hơn một triệu trẻ em… Tất cả chỉ bắt đầu từ một cuộc biểu tình ngày 26-1-2011.

Là một đảng viên, một giáo sư, ông có bao giờ nghĩ đến hàng triệu đồng bào đã hy sinh để những người như ông được thênh thang con đường học vấn. Ông có nghĩ đến việc vẫn còn hàng vạn liệt sĩ chưa trở về, hàng triệu thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam đang hằng ngày, hằng giờ chống chọi với đau đớn, bệnh tật do chiến tranh gây ra. Ông có bao giờ từng nghe “Bài ca không quên” nhắc nhở lương tri của những người đang sống hôm nay về cái giá của hòa bình, tự do, độc lập? Lẽ ra là một đảng viên, điều ông nghĩ đến đầu tiên phải là bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước chứ không thể lại là việc hùa theo những "lời kêu gọi biểu tình" để phá hoại đất nước?

Những người rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như trên chỉ là cá biệt. Nhưng còn một bộ phận đông hơn tuy chưa đến mức sai trái, "đổi màu" song lại đơn giản, chủ quan, "mũ ni che tai" trước những biến động thời cuộc, những tình huống phức tạp đe dọa đến lợi ích cộng đồng, thậm chí là an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Chuyện xảy ra ở Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh gần đây, nhiều đối tượng gây rối, cầm đầu đã bị ra tòa, lãnh án tù nhưng không thể không đặt câu hỏi trách nhiệm của cấp ủy đảng, của những cán bộ, đảng viên sinh sống trên địa bàn các đối tượng đó. Cán bộ, đảng viên chỉ chấp hành đúng pháp luật, không có vi phạm gì thì chưa đủ mà phải là người dẫn đường chỉ lối, sớm nắm tình hình, phát hiện và góp phần ngăn ngừa, không để xảy ra những điều đáng tiếc như vậy.

Sự “ngoảnh mặt” nguy hiểm

Nhà bác học Lê Quý Đôn từng đúc kết 5 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước, bao gồm: “Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt”. Trong 5 nguy cơ đó, có sự ngoảnh mặt với thời cuộc của những con người có vị trí trong xã hội. Trong "Hịch tướng sĩ", Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng cảnh báo nạn thờ ơ với thời cuộc của tướng sĩ, “thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn”.

Ngày nay, sự “ngoảnh mặt”, thờ ơ ấy xét cho cùng chính là biểu hiện trung bình chủ nghĩa của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hiện tượng cán bộ, đảng viên trung bình chủ nghĩa có thể dẫn đến những biểu hiện suy thoái về tư tưởng và chính trị không kém phần nguy hiểm. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng khi xác định 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã đề cập hai biểu hiện: “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái”; “Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người!

Đây cũng là điều từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận và hết sức coi trọng giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ: “Đứng trong hàng ngũ chiến đấu của Đảng mà họ không có dũng khí cách mạng, ít lo nghĩ về trách nhiệm của mình. Họ hững hờ như những người không có lý tưởng, đến đâu hay đến đó, qua tháng qua ngày. Đối với công việc của cách mạng, không có thái độ người làm chủ tập thể, dám nghĩ dám làm, mà thường bị động ngồi chờ... Số người đó coi Đảng như cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình...”.

Thời gian vừa qua, những biểu hiện cơ hội xét lại, phản tỉnh, tát nước theo mưa, phụ họa, a dua theo những quan điểm sai trái lệch lạc có xu hướng gia tăng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và giới trẻ. Thế nhưng dường như, chúng ta chưa phát huy được sự vào cuộc đông đảo, rộng khắp của đội ngũ đảng viên và quần chúng vào việc hình thành dư luận xã hội tích cực, phê phán cái tiêu cực, cái ác, cái xấu đang diễn ra hằng ngày. Ở nhiều nơi tồn tại tình trạng phổ biến: Đảng viên không vi phạm pháp luật nhưng cũng không phải là đầu tàu gương mẫu, không xung kích đi đầu, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, "mũ ni che tai", giữ an toàn cho riêng mình, phó mặc sự đe dọa bình yên của xã hội. Trước chiêu trò "kêu gọi biểu tình" phức tạp như vậy nhưng đúng như có đại biểu Quốc hội từng nhận xét, dường như chúng ta còn bỏ trống trận địa tư tưởng trên mạng xã hội. Số cán bộ trực diện đấu tranh, bày tỏ quan điểm, có lời kêu gọi nhân dân như một đồng chí chủ tịch UBND huyện ở Bình Thuận chưa nhiều…

Gương mẫu và vững vàng trong mọi tình huống

Đã qua rồi cái thời hễ cứ là đảng viên, là cán bộ thì có thể có được uy tín để lãnh đạo nhân dân. Ngày nay, vai trò của người đảng viên không thể nào được phát huy chỉ qua danh hiệu mà phải bằng chất lượng công việc, bằng cả cái tâm, cái tầm và hành động gương mẫu trước quần chúng nhân dân trong chấp hành pháp luật. Đặc biệt, trước những tình huống phức tạp, nhất là âm mưu xuyên tạc, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, cán bộ, đảng viên vừa phải thể hiện được bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, vừa phải có được thông tin và kỹ năng thuyết phục, vận động quần chúng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của chúng. Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện rõ nét trong lời nói, việc làm, nhất là qua phát ngôn, bày tỏ chính kiến, quan điểm, kể cả thông qua kênh mạng xã hội. Trước xu thế bùng nổ thông tin và sức mạnh lan tỏa như vũ bão của công nghệ, bản lĩnh chính trị của đảng viên cần được thể hiện qua từng dòng chia sẻ, bình luận, từng bài viết và lời nói. Hơn ai hết, họ trước tiên phải là những người dùng mạng xã hội thông thái, thông minh trước “chợ trời thông tin”, biết gạn đục khơi trong, không để kẻ xấu dắt mũi, “trâu lấm vẩy bùn”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào”.

Với vai trò lãnh đạo, cán bộ, đảng viên còn phải biết dẫn dắt, tổ chức quần chúng và nêu cao trách nhiệm cá nhân; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó, bí thư cấp ủy, người đứng đầu mỗi địa phương phải có trách nhiệm cao nhất. Nơi nào để xảy ra tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối, phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu cùng các lực lượng liên quan. Các cơ quan chức năng, trực tiếp là lực lượng vũ trang cần nắm chắc tình hình hoạt động của các thế lực thù địch để có kế hoạch đấu tranh phù hợp, hiệu quả trên cơ sở xây dựng “thế trận an ninh nhân dân”. Năm 1951, trong bài viết “Phong trào trừ gian”, Bác Hồ đã nêu kinh nghiệm: "Từ thành thị đến thôn quê, nhân dân tự động tổ chức những ủy ban phòng gian trừ gian. Hàng triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân chăng thành những bức “thiên la địa võng”, nên lũ mật thám không sao thoát được. Có những em bé, những cụ già, những phụ nữ đã nổi tiếng anh hùng phòng gian trừ gian, vì đã giúp công an tóm được những tên mật thám đầu sỏ… Biết dựa vào sức nhân dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ phòng gian là nhiệm vụ chung của công dân, là một công việc ái quốc”.

Tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” phải được thể hiện rõ khi mỗi địa phương có những sự việc phức tạp. Cán bộ, đảng viên không chỉ nói không với biểu tình, tụ tập, gây rối mà phải chủ động đấu tranh, đẩy lùi, tuyên truyền vận động gia đình, nhân dân ở nơi làm việc và nơi ở chung sức đấu tranh với thế lực thù địch. Phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đảng, đoàn thể, nhà trường. Cuối cùng, gia đình, tế bào của xã hội phải được chú trọng, nhất là các gia đình có con em cá biệt, để ngăn ngừa hiệu quả không để kẻ xấu lôi kéo, lừa phỉnh lớp trẻ./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Lai lịch Henry Nguyen con rể nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Ông Trần Đại Quang và con đường chạy tuổi "từ Trung tướng Công an nghỉ hưu để chui sâu, trèo cao đến Chủ tịch nước"?

Cảnh cáo Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang Võ Văn Leo

Tiến hành xác minh 2 căn hộ của Đinh La Thăng để phục vụ thi hành án dân sự

Tôi đã thấy Việt Nam Cộng hòa đang sống lại qua Bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập không gọi ngụy

Mọi “kịch bản” biểu tình phi pháp đều thất bại trước khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam

Phú Thọ: bắt phó chủ tịch UBND thành phố Việt Trì Lê Sỹ Hồng

Xét xử 12 đối tượng hoạt động nhằm lật đổ Chính quyền nhân dân

Bước tiến rõ nét và toàn diện trong công tác phòng, chống tham nhũng